Cây hoài sơn có tên khoa học là Dioscorea persimilis Prain et Burkill. Hoài sơn được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Tinh bột hoài sơn khi được nấu chín sẽ cho tác dụng mạnh mẽ hơn trong việc kháng lại sự thủy phân của enzyme amylase – enzyme tham gia vào việc phân hủy tinh bột thành đường glucose trong hệ tiêu hóa. Việc ức chế enzyme này sẽ giúp làm chậm hấp thu đường sau ăn. Bột thô và dịch chiết nước hoài sơn còn có tác dụng tăng cường sản sinh yếu tố GLP-1 (hormone có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin). Nhờ những tác dụng hữu ích này mà hoài sơn có khả năng làm giảm chỉ số HBAP1c, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng tiểu đường nhờ ổn định đường huyết tự nhiên và bền vững. Hình 1. Cây hoài sơn Thành phần hóa học trong củ hoài sơn: chất muxin, allantoin, axit amin, acginin và cholin. Ngoài ra còn có mantaza là men tiêu hóa mantoza. Về mặt thực phẩm, trong hoài sơn có 63,25% chất bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất protit. Gần đây người ta có tìm thấy trong một số giống Dioscorea chất saponin có nhân sterol. Hoài sơn có rất nhiều công dụng, quý nhất là tác dụng bồi bổ tỳ vị, phế và thận của vị thuốc này. Nguồn dược liệu cây hoài sơn hiện nay trên thị trường phần lớn nhập từ Trung Quốc với chất lượng không ổn định, nguồn gốc không rõ ràng. Phần còn lại được thu hái trong tự nhiên. Tuy nhiên, do tác động của việc khai thác quá mức và bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn cây thuốc này trong tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có các vùng trồng chuyên canh các cây dược liệu này để cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành dược, chế tạo các thuốc, các hoạt chất có hiệu lực chữa bệnh cao. Với phương pháp sản xuất giống truyền thống như dâm hom hay trồng từ củ hoặc củ khí sinh sẽ không cung cấp đủ nguồn cây giống do hệ số nhân thấp. Do đó, cần áp dụng kỹ thuật nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật vào việc nhân giống cây dược liệu này. Với phương pháp này sẽ sản xuất được một số lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn, chất lượng cây đồng đều. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã xây dựng được quy trình nhân giống in vitro cây hoài sơn. Sử dụng phương pháp khử trùng kép bằng dung dịch NaClO để khử trùng đoạn thân mang chồi ngủ. Môi trường cảm ứng tạo chồi từ chồi ngủ là MS bổ sung BA và Kinetin. Cảm ứng tạo cụm chồi trong môi trường lỏng lắc MS bổ sung Kinetin và NAA. Môi trường tạo cây hoài sơn in vitro hoàn chỉnh là MS bổ sung IBA kết hợp NAA.