Cúc gai dài (hay cúc gai, cúc gai di thực) Silybum marianum (L.) Gaertn là một trong những cây thuốc có giá trị dược liệu cao được dùng để điều trị các chứng bệnh về gan. Thành phần hoạt tính chính trong loài cây này là các flavonolignans, gọi chung là silymarin - hỗn hợp của ba chất isomer silybin, silydianin và silycristin. Hạt là bộ phận chứa hàm lượng silymarin cao nhất, các bộ phận khác của cây vẫn có hợp chất này tuy ít hơn. Hàm lượng silymarin phụ thuộc vào giống cây, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu mà cây sinh trưởng (Qavami và cộng sự, 2013). Trên thị trường Việt Nam, có rất nhiều chế phẩm của thuốc từ Cúc gai dài. Có thể nói, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với các viên uống chức năng giải độc gan. Nguyễn Thị Ngọc Dao (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) và các đồng sự tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học của Cúc gai và trồng ở vườm ươm Hà Nội, Tam Đảo. Kết quả là hàm lượng Silymarin trong Cúc gai trồng ở Hà Nội không khác với trồng ở Sa Pa và giống mới nhập khẩu của Đức (Nguyễn Thị Hồng Gấm và cộng sự, 2003). Kết luận quan trọng này nhanh chóng được ứng dụng chế tạo viên nang uống. Dược phẩm này bán rộng khắp trên thị trường và được ưa chuộng vì có nguồn gốc thiên nhiên. Vì vậy, tương lai phát triển sản xuất các chế phẩm từ Cúc gai dài nếu có nguồn nguyên liệu ổn định trong nước hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.Việc mở rộng diện tích đất trồng, phát triển sản xuất loài cây dược liệu này lại phù hợp với các tỉnh thuộc vùng núi cao và trung du Bắc Bộ, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế và thêm một lựa chọn để các địa phương này có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao giá trị sản xuất, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Thị trường tiêu thụ rộng lớn cùng với xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược ngày càng tăng chính là cơ hội để phát triển và mở rộng xây dựng các vùng chuyên canh cây dược liệu. Cúc gai dài đang được trồng thử nghiệm ở một số khu vực miền núi phía Bắc chính là một trong những đối tượng cây trồng tiềm năng trong tương lai. Việc xây dựng thành công quy trình vi nhân giống loài cây này sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống trong tương lai gần. Cúc gai dài thường được nhân giống với phương pháp trồng hạt tuy nhiên tỉ lệ nảy mầm không cao, yêu cầu kinh nghiệm và kỹ thuật, do đó vi nhân giống với những ưu thế hiện tại: nhân nhanh với số lượng lớn, đảm bảo đặc tính di truyền là một lựa chọn thích hợp để xem xét nhân giống loài cây này với số lượng lớn, thời gian rút ngắn, đem lại hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở các công trình nghiên cứu về nhân giống in vitro đã được báo cáo trên thế giới đối với loài này, nhóm nghiên cứu tiến hành thực hiện nghiên cứu “Xây dựng quy trình nhân giống in vitro cây dược liệu Cúc gai dài Silybum marianum (L.) Gaertn. từ hạt nhằm xây dựng một quy trình vi nhân giống hiệu quả, đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu thị trường. Nghiên cứu “Xây dựng quy trình nhân giống in vitro cây Cúc gai dài Silybum marianum (L.)Gaertn.từ hạt” thực hiện trong vòng hai năm tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao (2018 – 2019) với kỹ thuật nuôi cấy mô trên môi trường bán rắn. Hạt Cúc gai dài nảy mầm tạo cây con in vitro đạt 77,78%; đoạn thân mang chồi ngủ Cúc gai dài tái sinh tạo cụm chồi thích hợp trong môi trường MS có bổ sung BA cho tỉ lệ bật chồi 97,78% với hệ số nhân là 4,17; có thể tạo sẹo Cúc gai dài từ mẫu lá in vitro của cây con trong môi trường MS có bổ sung 2,4-D và tái sinh chồi cho mô sẹo bằng môi trường MS bổ sung NAA + GA3; tỉ lệ tạo cụm chồi >90% với hệ số nhân 7,5 - 8,2.
Nghiên cứu đã hoàn chỉnh được quy trình nhân giống in vitro Cây cúc gai dài từ hạt, cùng với đưa ra được chế độ chăm sóc cơ bản cho cây Cúc gai dài in vitro thích nghi và phát triển tốt ngoài vườn ươm trong 2 tháng đầu.