Trong sản xuất nông nghiệp, khi diện tích cây trồng tăng lên sẽ kéo theo sự phá hại của dịch hại ngày càng gia tăng. Sâu bệnh hại đã phá vỡ các quá trình sinh hóa và sinh học của thực vật, gây thiệt hại cho các bộ phận của cây và gây ngộ độc cho cây cũng như các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, nó cũng làm suy thoái các giống cây trồng, gây thiệt hại cho cây trồng và sản xuất bằng cách làm giảm năng suất của sản phẩm nông nghiệp. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong quản lý các loài sâu hại không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn làm gia tăng các nòi sâu hại kháng thuốc, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Do đó, sử dụng thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học, bảo vệ và duy trì các nguồn thiên địch trong tự nhiên đã và đang được nghiên cứu, triển khai ở nước ta, đặc biệt là tìm kiếm và nghiên cứu những nguồn nguyên liệu trong nước có hoạt tính phòng trừ sinh học. Thuốc trừ sâu sinh học còn được biết đến với tên gọi khác là thuốc trừ sâu hữu cơ, đây là loại thuốc được chế tạo từ các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để tiêu diệt sâu bệnh hại. Những chế phẩm có nguồn gốc sinh học đó là vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, virus), các chất trong cây cỏ (chất độc hoặc dầu thực vật), các chất do vi sinh vật tiết ra (thường là kháng sinh)… Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học chỉ có tác dụng trừ dịch hại mà không độc hại với các loại sinh vật có ích, tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch bệnh hại phát triển, an toàn với sức khỏe con người và môi trường. Mặt khác thuốc trừ sâu sinh học có phạm vi tác động hẹp, chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu gây hại, phân hủy nhanh, độc tính thấp, khả năng trì hoãn tính kháng của quần thể dịch hại và ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái (Khater, 2012). Một số chiết xuất thực vật, tinh dầu và các hợp chất phân lập đã được đánh giá cho hoạt động của chúng chống lại nhiều loại sâu bệnh (Koul et al., 2005; Koul et al., 2008; Koul et al., 2016). Thuốc trừ sâu thảo mộc được coi là thay thế thuốc trừ sâu tổng hợp do sự phân hủy sinh học nhanh chóng và có mức độc tính tối thiểu đối với động vật có vú. Hiện nay, nhiều loài thực vật đã được nghiên cứu và ứng dụng trong phòng trừ một số côn trùng gây hại dạng dịch trích như cúc, neem, dây mật, tỏi, ớt, thuốc lá, kappettiya, gừng, tử đinh hương (Khater, 2012; Rahman và cs, 2016; Bùi Lan Anh và cs, 2018; Nguyễn Hoàng Dũng và cs, 2021). Trong đó, hoạt chất azadirachtin trong cây neem và rotenone trong cây dây mật được ứng dụng khá nhiều trong biện pháp bảo vệ sinh học.
Dựa vào đó, việc cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, gia công thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm sinh học bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu lực phòng trừ, kéo dài thời gian bảo quản, dễ dàng sử dụng và phù hợp điều kiện sản xuất nông nghiệp của nước ta theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.