* Chuẩn bị nhà lưới Nhà ươm cây con được thiết kế theo kiểu mái vòm hoặc chữ A, có chiều cao từ 4 – 5 m, xung quanh che lưới chắn gió (nhưng đảm bảo sự thoáng mát), che lưới cắt nắng (che 2 lớp lưới 50% sáng, tương đương ánh sáng từ 4.000 – 6.000 lux), tuyệt đối không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào cây con và đồng thời che thêm một lớp nilon để tránh mưa.Hình 1. Nhà ươm lan giả hạc giai đoạn hậu cấy mô
- Giàn ươm cây nên thiết kế cách mặt đất tối thiểu 70 – 80 cm về chiều cao; chiều rộng từ 1 – 1,4 m; chiều dài tùy thuộc chiều dài của vườn ươm.
* Chuẩn bị giá thể
Trong giai đoạn vườn ươm, các loại giá thể có thể sử dụng để trồng lan giả hạc như: mụn dừa, vỏ dừa và vỏ đậu phộng, than, vỏ thông... Mụn dừa: phải xử lý chất chát (tanin) bằng cách ngâm và xả nước. Hình 2. Hồ xử lý mụn xơ dừa và mụn xơ dừa sau khi xử lý
*Chuẩn bị cây lan từ giống nuôi cấy mô
Trước khi chuyển cây con ra khỏi chai, cần để chai mô ít nhất 2 tuần trong điều kiện thoáng mát, không có ánh sáng trực tiếp nhằm giúp cây thích nghi dần với điều kiện tự nhiên.
Tiêu chuẩn cây con khi ra khỏi chai mô:
+ Chiều cao cây từ 5-6 cm trở lên (đo theo chiều cao vuốt lá).
+ Cây có 3-4 lá trở lên.
+ Số rễ : có ít nhất 3 rễ, chiều dài 2-3 cm trở lên. Rễ khỏe, không có rễ hư.
+ Lá có màu xanh mướt, cây khỏe mạnh, chất lượng và kích thước cây phải đồng đều, cây không bị biến dạng và đột biến.
Cây con được bó vào vỏ dừa 2-4 tháng, chiều cao đạt khoảng 10cm thi đem trồng vào chậu.
* Bó cây vào chậu bi
+ Sử dụng chậu nhựa đen để trồng, kích thước 1,5 inch (tương đương 3,4 cm). + Dùng miếng vỏ dừa chặt khúc, nhẹ nhàng đặt cây con vào giữa miếng vỏ dừa sao cho cổ rễ cây con cao hơn đỉnh của xơ dừa 1 - 2 mm (tránh đọng nước). Sau đó, đặt vào chậu sao cho vừa đủ chặt (quá chặt làm hư rễ và quá lỏng làm rớt cây con ra). Khi trồng xong, cây được đặt vào vỉ nhựa 112 lỗ. Với mật độ 56 cây/vỉ.Hình 3. Cây lan bó vào chậu bi
* Trồng cây ra vườn sản xuất
Cây sau bó vao chậu bi 2-4 tháng, tùy theo đặc tính sinh trưởng của giống có thể trồng cây ra vườn sản xuất.
Sử dụng giá thể 50 % vỏ dừa chặt khúc + 50 % than củi. Vỏ dừa: chọn những vỏ dừa già, khô để làm giá thể trồng, tiến hành cắt khúc. Than có kích thước vừa phải, khoảng 2-3 cm.
Sử dụng chậu nhựa hoặc chậu gỗ để trồng, chậu có đường kính 12 – 30 cm. Hiện nay chậu trồng lan có nhiều kích thước, màu sắc và chất liệu khác nhau.
Cách trồng: Trộn vỏ dừa chặt khúc và than củi theo tỉ lệ 50: 50, nhẹ nhàng đặt cây con vào giữa giá thể sao cho cổ rễ cây con cao hơn đỉnh của xơ dừa 1 - 2 mm (tránh đọng nước). Sau đó, đặt vào chậu sao cho vừa đủ chặt (quá chặt làm hư rễ và quá lỏng làm rớt cây con ra). Khi trồng xong, cây được đặt vào giàn. Khi cây sinh trưởng phát triển tốt cần bố trí mật độ thưa dần để đảm bảo cho cây nhận đủ ánh sáng.
Chú ý: khi cây lan giả hạc có thân lá dài nên được treo lên giàn cao để cây phát triển tốt hơn.
* Chăm sóc
+ Chế độ nước tưới
Ẩm độ thích hợp cho cây con ở giai đoạn vườn ươm vào khoảng 70-75%.
Nước tưới cho lan Mokara yêu cầu không mặn, phèn, không cứng (chứa Ca2+, Mg2+,…), độ pH từ 5,5 - 6,8.
Khi tưới nước cho cây cần chú ý:
Độ ẩm xung quanh tốt hơn độ ẩm cục bộ trong trong giá thể.
Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng hoặc tưới quá muộn làm cây dễ bị bệnh. Nên tưới vào lúc 9 giờ và 15 giờ, tùy vào thời tiết nắng hay mưa mà có thể điều chỉnh chế độ tưới. Nên tạo chế độ ẩm và khô xen kẽ cho giá thể trồng (vỏ dừa và vỏ đậu phộng) để kích thích rễ sinh trưởng mạnh.
+ Chế độ ánh sáng
Ánh sáng thích hợp nhất đối với cây con trong vườn ươm là từ 25 – 30% (tương đương khoảng từ 4.000 – 6.000 lux). Phản ứng với ánh sáng của các giống Mokara là khác nhau nên cần tùy thuộc vào thực tế để điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp.
+ Chế độ phân bón
Bón phân cho cây ở giai đoạn cây con cần phải thực hiện thường xuyên với nồng độ loãng và tốt nhất là phun qua lá. Ở giai đoạn này cây sinh trưởng và phát triển mạnh về thân, lá nên cần bón phân có hàm lượng đạm cao, lân và kali thấp. Do đó, giữa 2 - 3 lần phun phân vô cơ có hàm lượng N:P:K (Growmore 30-10-10, 20-20-20) cần kết hợp xen kẽ với phân hữu cơ (phân cá Alaska, Seaweed, Humix, … ) và các loại phân có tác dụng kích thích ra rễ (Vitamin B1, Terra-short4, N3M).
Liều lượng sử dụng:
+ Cây từ khi mới trồng đến 2 tháng: phun 1/2 liều lượng hướng dẫn, 1 lần/tuần
+ Cây từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 12: phun 1/2 -1 liều lượng hướng dẫn, 2 lần/tuần.
Ở giai đoạn này cây sinh trưởng và phát triển mạnh về thân, lá nên cần bón phân có hàm lượng đạm cao, lân và kali thấp. Phun phân bón lá có hàm lượng đạm: lân: kali tỉ lệ 30: 10: 10 + TE hoặc tỷ lệ 20-20-20. Đồng thời sau trồng được 1 tháng, khi cây bén rễ kết hợp bón thêm phân hữu cơ hoặc phân tan chậm vào gốc như: phân dê liều lượng 5g/ cây/3 tháng, phân hữu cơ viên nén Dynamic 3g/cây/ 3 tháng, phân tan chậm 15 – 15 – 15 liều lượng 2g/ cây/3 tháng. Riêng đối với dòng lan giả hạc vào cuồi mùa mưa cần giảm lượng phân bón và lượng nước tưới để cây chuẩn bị ra bông, mùa hoa lan giả hạc kéo dài từ tháng 12 âm lịch tới tháng 3 âm lịch năm sau. Hình 4: Cây lan giả hạc phát triển trong chậu lớn
*Phòng trừ sâu bệnh hại
- Biện pháp phòng ngừa:
+ Vườn trồng đảm bảo luôn thông thoáng.
+ Tránh tưới nước quá ẩm vào chiều tối.
+ Thường xuyên vệ sinh xung quanh vườn hạn chế côn trùng ẩn nấp, thu gom lá vàng, lá bị bệnh.
Một số bệnh hại thường gặp trên giả hạc: Bệnh thối nhũn và bệnh thán thư. Chú ý vào mùa mưa bón phân có tỷ lê đạm thấp, phun thuốc trừ nấm và bệnh vào đầu mùa mưa.