Cơ quan chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao
Cơ quan quản lý nhiệm vụ: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM
Chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Nguyễn Thị Nguyệt
Nhiệm vụ “Xây dựng quy trình canh tác cây Sâm cau giống nuôi cấy mô” được thực hiện nhằm mục đích lựa chọn được lượng nước tưới, chế độ che nắng, mật độ trồng cây và lượng phân bón thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Sâm cau. Ba nội dung nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 12 năm 2022. Nội dung 1 là thí nghiệm nghiên cứu về ảnh hưởng của che nắng đến sinh trưởng và phát triển cây Sâm cau. Thí nghiệm 1 yếu tố, được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong bốn nghiệm thức, không che nắng, che nắng bằng lưới cắt nắng 25%, che nắng bằng lưới cắt nắng 50% và che nắng và lưới cắt nắng 75%, kết quả thí nghiệm cho thấy các cây Sâm cau sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện được che nắng bằng lưới cắt nắng 50%. Nội dung 2 là thí nghiệm nghiên cứu về ảnh hưởng của lượng nước tưới đến sinh trưởng và phát triển cây Sâm cau. Thí nghiệm 1 yếu tố, được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên. Kết quả thí nghiệm cho thấy, các cây Sâm cau sinh trưởng và phát triển tốt khi được tưới ở lượng nước 1000 và 800 mL/cây/ngày. Củ Sâm cau sau khi thu hoạch cho năng suất cao nhất khi cây Sâm cau được tưới ở lượng nước 800mL/cây/ngày. Nội dung 3 là thí nghiệm 2 yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ (plit – slot) với ba công thức phân bón (15.000 kg phân bò hoai; 12.000kg phân bò hoai kết hợp với 25 kg N và 10 kg K2O hay 9.000 kg phân bò hoai kết hợp với 25 kg N và 10 kg K2O) là lô chính và ba mật độ trồng (10 x 10; 20 x 10 hay 30 x 10) là lô phụ. Kết quả nghiên cứu cho thấy trên 3 mật độ trồng cây và 3 công thức phân bón, mật độ trồng 20 x 10 cm và công thức phân bón 12.000kg phân bò hoai kết hợp với 25 kg N và 10 kg K2O cho năng suất và chất lượng củ đạt giá trị cao nhất.