Liên hệ Liên hệ
Nhận báo giá Nhận
báo giá

Ứng dụng chế phẩm từ cao lỏng lá neem và dây mật

Thứ ba - 23/07/2024 04:14
Ứng dụng chế phẩm từ cao lỏng lá neem và dây mật
Sâu tơ (Plutella xylostella L.) là một trong những loài sâu hại rau gây thiệt hại nặng trong sản xuất rau màu ở nước ta. Hàng năm sâu tơ gây tổn thất khoảng 30-50% năng suất cây trồng. Ở thành phố Hồ Chí Minh, chi phí cho phòng trừ sâu tơ chiếm khoảng 45,7% tổng số vốn đầu tư. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong quản lý các loài sâu hại không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn có khả năng làm gia tăng các loài sâu hại kháng thuốc dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Sử dụng thuốc phòng trừ sâu có nguồn gốc sinh học sẽ góp phần bảo vệ và duy trì các nguồn thiên địch trong tự nhiên, những nghiên cứu này đã và đang được triển khai ở nước ta, đặc biệt là tìm kiếm những nguồn nguyên liệu trong nước có hoạt tính phòng trừ sinh học (Nguyễn Ngọc Bảo Châu, 2016).
Hình 1. Sâu tơ tuổi 2
Hoạt chất azadirachtin trong cây neem có hoạt tính sinh học rất đa dạng, có khả năng phòng trừ các loại côn trùng gây hại cho cây trồng, azadirachtin còn có tác dụng gây ngán ăn và ức chế sinh trưởng của nhiều loại côn trùng. Hàm lượng azadirachtin có nhiều ở nhân hạt, lá neem và một số bộ phận khác (Nguyễn Trọng Tấn, 2019).
Trong cây dây mật, hoạt chất rotenone có khả năng phòng trừ rất nhiều loại côn trùng gây hại cây trồng. Rotenone tác dụng làm liệt trung tâm hô hấp của côn trùng, sau khi tiếp xúc với thuốc côn trùng yếu dần rồi chết. Hoạt chất rotenone tập trung nhiều trong rễ, lá và trong các bộ phận khác của cây dây mật. Chính vì vậy việc tận dụng các bộ phận của cây dây mật vừa đảm bảo được nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vừa đảm bảo tận dụng hết các bộ phận của cây.
A B
Hình 2. (A) cây neem, (B) cây dây mật
            Tiến hành chiết xuất hoạt chất azadirachtin và rotenone từ cây neem và dây mật bằng phương pháp ngâm chiết trong dung môi Ethanol 96o trong vòng 96 giờ. Sau khi thu được dịch chiết tiến hành tách dung môi bằng phương pháp cô quay chân không thu được cao lỏng từ neem và dây mật.
Hình 3. Cao lỏng dây mật và neem sau khi cô quay chân không
            Tiến hành phối trộn hai loại cao lỏng với tỷ lệ hỗn hợp 70% cao lỏng lá neem + 30% cao lỏng dây mật tạo ra chế phẩm phòng trừ sâu tơ
Tiến hành đánh giá hiệu lực của chế phẩm trên sâu tơ trên cây cải xanh trong điều kiện nhà màng. Tiến hành theo dõi đánh giá số sâu còn sống ở các mốc thời gian 1, 3, 5, 7, 14 ngày sau khi phun chế phẩm.
Hình 4. Bố trí thí nghiệm trong nhà màng
Với tỷ lệ phối trộn hỗn hợp 70% cao lỏng lá neem + 30% cao lỏng dây mật có hiệu lực phòng trừ sâu tơ cao nhất là 86,7%, tỷ lệ sâu ngán ăn lên tới 84,5% và có khả năng ức chế tới khả năng hóa nhộng và vũ hóa của sâu tơ giảm còn 6,9% sau lần đầu xử lý trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Kết quả thí nghiệm ở điều kiện nhà màng cho thấy khả năng phòng trừ sâu tơ cũng ghi nhận đạt hiệu quả cao. Ở nồng độ 25 mL/L và 30 mL/L (từ dung dịch gốc) đạt hiệu lực phòng trừ sâu tơ cao nhất sau 7 ngày phun lần lượt là 83,2% và 84,0%
Không sử dụng chế phẩm Sử dụng chế phẩm phòng trừ sâu tơ
Hình 5. Kết quả đánh giá khả năng phòng trừ sâu tơ trên cây cải xanh bằng chế phẩm từ cao lỏng neem và dây mật
Kết quả nghiên cứu được áp dụng tại Phòng Hỗ trợ Công nghệ Cây trồng và đang tiến hành đánh giá thêm trên một số đối tượng khác tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao từ tháng 12/2023 đến nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây