Năng suất cây trồng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi nền nông nghiệp. Do đó, đã có rất nhiều phương pháp được sử dụng nhằm cải thiện năng suất cũng như tăng cường sức đề kháng của cây trồng với mầm bệnh trong đó phổ biến nhất là sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Việc sử dụng dư thừa lượng phân hoá học trong hệ thống canh tác hiện nay đã dẫn đến các mối nguy về môi trường như: gây ô nhiễm môi trường, thoái hoá đất và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các biện pháp và xu hướng mới đã ra đời với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường mà vẫn đạt năng suất cao. Bên cạnh đó, gần đây nhiều công bố khoa học cho thấy tiềm năng sử dụng tương tác có lợi giữa vi sinh vật với cây trồng để kích thích sinh trưởng ở thực vật.
Khả năng kích thích sinh trưởng thực vật của các chủng vi sinh vật này được biết đến thông qua cơ chế cố định đạm hoặc sự sản sinh các hợp chất sinh học như các phytohormone, vitamin và cả một số loại enzyme có khả năng ức chế sự phát triển của mầm bệnh qua đó kích thích sinh trưởng của cây chủ. Chính bởi những ưu điểm này mà việc sản xuất các chế phẩm vi sinh từ vi sinh vật có khả năng kích thích sinh trưởng thực vật đang là một hướng đi đầy tiềm năng. Rhodopseudomonas palustris là một loại vi khuẩn có khả năng đặc biệt là có thể sinh trưởng trong môi trường có hoặc không có oxy. Đây là loại vi khuẩn có lợi và cần thiết cho cây trồng, có khả năng thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau.
Từ những thực tiễn đó, nhiệm vụ “Ứng dụng vi sinh vật kích thích sinh trưởng thực vật Rhodopseudomonas palustris sản xuất chế phẩm sinh học dùng cho cây trồng” được Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao thực hiện nhằm tạo ra một chế phẩm vi sinh phục vụ cho một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường trong thời kỳ mới. Kết quả, 03 dòng vi khuẩn Rhodopseudomonas palustris phân lập từ các mẫu đất, nước nhận diện bằng kỹ thuật PCR, được chọn để khảo sát khả năng tổng hợp IAA và ảnh hưởng của chúng lên sự phát triển của rễ bắp trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho thấy, cả ba dòng R1, R2, R3 đều có khả năng tổng hợp IAA. Dòng R1 tổng hợp được lượng IAA nhiều nhất 6,4µg/ml vào ngày thứ 7 sau khi chủng. Lượng IAA sinh ra này góp phần làm tăng chiều dài rễ bắp và tăng số lượng rễ phụ trong thí nghiệm. Chiều dài rễ bắp tăng 1,5 lần so với đối chứng khi được chủng dòng R1 sau 14 ngày.