Cơ quan chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao
Cơ quan quản lý nhiệm vụ: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao
Chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Nguyễn Thị Sáu
Nhiệm vụ khoa học công nghệ "Nghiên cứu một số biện pháp trồng lan giả hạc từ giống nuôi cấy mô tại thành phố Hồ Chí Minh" được tiến hành từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2022 tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao nhằm xác định nồng độ NAA, công thức giá thể và các công thức dinh dưỡng phù hợp cho cây lan giả hạc giống nuôi cấy mô giai đoạn cây con. Đề tài gồm 3 nội dung: (1) Ảnh hưởng của nồng độ NAA đến sinh trưởng cây lan giả hạc giai đoạn cây con trồng tại thành phố Hồ Chí Minh, thí nghiệm một yếu tố gồm 4 nồng độ NAA khác nhau được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại. Kết quả cho thấy nồng độ NAA 60ppm là phù hợp với lan giả hạc. (2) Ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng cây lan giả hạc từ giống nuôi cấy mô giai đoạn cây con trồng tại thành phố Hồ Chí Minh, thí nghiệm 1 yếu tố gồm 5 công thức giá thể khác nhau với 4 lần lặp lại, kết quả công thức giá thể gồm 50 % vỏ dừa chặt khúc + 50 % than củi là phù hợp nhất với sinh trưởng của cây lan giả hạc. (3) ảnh hưởng của phân bón lá và phân bón gốc đến sinh trưởng cây lan giả hạc nuôi cấy mô giai đoạn cây con, thí nghiệm 2 yếu tố theo kiểu khối ngẫu nhiên gồm 3 công thức phân bón gốc và 3 công thức phân bón lá với 3 lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm lựa chọn được công thức bón phân gồm phân dê liều lượng 5g / cây/ 3 tháng + phân chậm tan 15 – 15 – 15 liều lượng 2g/ cây/ 3 tháng và phun phân bón lá (30 – 10 – 10 + TE) nồng độ 3g/L nước cho cây lan giả hạc sinh trưởng phát triển tốt mà vẫn tiết kiệm được chi phí và bảo vệ môi trường.