Lan thanh tuyền (Grammatophyllum speciosum), họ Orchidaceae, là loài lan bản địa ở Thái Lan và có thể được tìm thấy ở các khu rừng mưa nhiệt đới ở các quốc gia khác thuộc Đông Nam Á như Lào, Malaysia, Phillipines... Ngoài giá trị trang trí và thương mại, lan thanh tuyền còn được sử dụng như một chất giảm đau trong y học dân gian. Trong y học cổ truyền Thái Lan, nước sắc từ lan thanh tuyền được dùng để chữa các bệnh viêm phế quản và đau họng, rễ được sử dụng để điều trị vết cắn, phần thân có thể được sử dụng để điều trị phát ban da, áp xe, sốt và thiếu máu. Chiết xuất từ phần thân giả hành của lan thanh tuyền được sử dụng để giảm đau do bị châm bởi bọ cạp và gần đây đã được báo cáo có tác dụng chống lão hoá.
Trong y học hiện đại, chiết xuất ethanol thân giả hành của lan thanh tuyền (GSE) đã được phát hiện có khả năng bảo vệ các keratinocyte khỏi sự tử vong tế bào gây ra bởi các anion siêu oxy. Thành phần hóa học của GSE đã được phân tích và được tìm thấy bao gồm isovitexin, grammatophyllosides, glucosyloxybenzyl dẫn xuất, vandateroside II, cronupapine, vanilloloside, gastodin và orcinolglucoside. Bên cạnh đó, lan thanh tuyền còn có thành phần chất Gastrodin – một loại Polyphenol có chức năng loại bỏ chất oxy hóa có hại cho cơ thể, bảo vệ thành mạch máu, một chất tăng cường trí nhớ, cũng như chống co giật, chống chết tế bào, chống bệnh Alzheimer, chống bệnh Parkinson, cũng như tác dụng bảo vệ chống lại bệnh loãng xương.
Trong tự nhiên, cây được nhân giống bằng cách tách bụi và tách các giả hành, hệ số nhân giống theo phương pháp truyền thống này là rất thấp. Xuất phát tự thực tế nguồn cây quý hiếm này đang bị khai thác bừa bãi, do nguồn dược tính quý nhưng chưa được phát triển một cách bền vững. Chỉ dùng các biện pháp nhân giống truyền thống không đáp ứng được các yêu cầu về duy trì, bảo tồn cũng như phát triển nguồn dược liệu trên. Do đó, cần thiết có một quy trình nhân giống in vitro ứng dụng công nghệ tế bào thực vật trong sản xuất đại trà và duy trì được nguồn gen quý trong tự nhiên.
Hình 1. Cây và hoa lan thanh tuyền G. speciosum
Năm 2023, nhóm nghiên cứu thuộc phòng Hỗ trợ Công nghệ Tế bào Thực vật thuộc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã thành công trong việc xây dựng quy trình nhân giống in vitro lan thanh tuyền (Grammatophyllum speciosum Blume). Chồi lan Thanh tuyền được khử trùng bằng phương pháp khử trùng kép sử dụng dung dịch NaClO 2,5% trong 13 phút và dung dịch NaClO 1,25% trong 5 phút cho kết quả tỷ lệ mẫu sống đạt 86,7%. Cảm ứng tạo chồi trên môi trường MS bổ sung BA cho tỉ lệ mẫu tạo chồi đạt 100%. Quy trình đạt hệ số nhân chồi 4,1 lần, 3,1 chồi/mẫu, chiều cao trung bình chồi 3,1 cm sau 8 tuần khi nuôi cấy trên môi trường MS có bổ sung BA và NAA. Chồi lan thanh tuyền được cảm ứng tạo rễ trên môi trường MS ½ có bổ sung NAA với tỉ lệ mẫu tạo rễ đạt 100%. Cây con lan thanh tuyền in vitro được chuyển ra vườn ươm và sử dụng phân bón Growmore B1 với tỉ lệ cây sống ngoài vườn ươm đạt 90%. Nuôi các mẫu chồi in vitro lan thanh tuyền trong điều kiện nhiệt độ 25 ± 2 ̊C, thời gian chiếu sáng 12h, cường độ chiếu sáng 2000 lux. Cây con được thích nghi với điều kiện vườn ươm với ánh sáng vườn ươm được che khoảng 60%, nhiệt độ khoảng 30 - 33 oC, độ ẩm từ 70 - 75%.
Hình 2. Cây lan thanh tuyền in vitro (A) và cây con lan thanh tuyền ngoài vườn ươm (B)
Kết quả nghiên cứu có thể đáp ứng được nhu cầu cây giống của các cá nhân, doanh nghiệp đang muốn nhân giống và kinh doanh loài cây này cũng như hỗ trợ chuyển giao quy trình công nghệ vi nhân giống về lĩnh vực này.