Liên hệ Liên hệ
Nhận báo giá Nhận
báo giá

ẢNH HƯỞNG GIÁ THỂ VÀ KHỐI LƯỢNG CỦ GIÂM ĐẾN HIỆU QUẢ NHÂN GIỐNG CÂY NGHỆ ĐEN (Curcuma zedoaria Rosc.)

Thứ ba - 20/02/2024 01:52
Nghệ đen là một loài thuộc chi Nghệ (Curcuma) có giá trị dược liệu cao. Theo Dosoky & Setzer (2018), thành phần chủ yếu trong dầu củ nghệ đen là sesquiterpenoids (80–85%) và monoterpenoids (15–20%). Củ nghệ đen có khả năng kháng nấm, kháng khuẩn, kháng viêm (Singh và cộng sự, 2002; Lai và cộng sự, 2004; Chen và cộng sự, 2011) và còn là chất chống oxy hoá mạnh, chống ung thư (Jang và cộng sự, 1997; Phan Minh Giang và cộng sự, 1998; Trần Thị Việt Hoa và cộng sự, 2007; Zhou và cộng sự 2015; Su và cộng sự, 2018). Vì vậy, nghệ đen là một trong những loại cây trồng đang được các nhà nghiên cứu quan tâm về giá trị sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dược phẩm và mỹ phẩm.
Trong canh tác cây thân rễ, việc sử dụng củ giống khối lượng lớn thường giúp tăng năng suất ở hầu hết các loại cây thân rễ như gừng, nghệ và nghệ Java (Hossain và cộng sự, 2005; Asafa & Akanbi, 2017; Adi & Mulyaningsih, 2019) nhưng củ giống khối lượng lớn đồng nghĩa với chi phí đầu tư cao. Trong khi đó, củ giống khối lượng nhỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây (Ara và cộng sự, 2019). Vì vậy, việc cân đối giữa chi phí đầu tư và chất lượng củ giống nhằm tối ưu hiệu quả kinh tế là cần thiết.
Nghệ đen được trồng từ cây giống sẽ cho hiệu quả cao hơn so với trồng trực tiếp từ củ giống do cây giống có độ đồng đều cao, củ được giâm trong vườn ươm có thể kiểm soát sâu, bệnh hiệu quả và tránh điều kiện thời tiết bất lợi trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, giá thể là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả nhân giống cây nghệ đen, thành phần giá thể và tỉ lệ phối trộn phù hợp giúp tăng khả năng nảy chồi và cây con sinh trưởng tốt.
Những năm gần đây, mô hình canh tác cây nghệ đen đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ dân tại các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Bắc Ninh, Hưng Yên và Lai Châu. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các tỉnh miền Bắc gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển và tỉ lệ hao hụt cao trong quá trình bảo quản sau thu hoạch. Vì vậy, cần xây dựng vùng canh tác cây nghệ đen nhằm cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh. Với khả năng thích nghi rộng với các vùng sinh thái, nghệ đen sẽ là cây trồng tiềm năng giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế trên đất xám tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận.
Vì vậy, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã khảo sát ảnh hưởng giá thể và khối lượng củ giâm đến hiệu quả nhân giống cây nghệ đen nhằm Xác định được thành phần giá thể và khối lượng củ giâm thích hợp cho quá trình nhân giống củ nghệ đen, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng củ, hướng đến khai thác tiềm năng sử dụng củ nghệ đen tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng giá thể và khối lượng củ giâm đến hiệu quả nhân giống cây nghệ đen thí nghiệm hai yếu tố được bố trí kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại. Yếu tố A (khối lượng củ) củ có ba mức khối lượng 20, 30 và 40 g; Yếu tố B (giá thể) có bốn loại giá thể 100% đất (đối chứng), 30% đất + 30% cát + 10% trấu + 30% phân trùn, 30% đất + 30% cát + 20% trấu + 20% phân trùn và 30% đất + 30% cát + 30% trấu + 10% phân trùn.
Kết quả đề tài như sau: (1) Củ nghệ đen khối lượng 40 g có thời gian nảy chồi sớm hơn và đạt tỉ lệ nảy chồi cao hơn so với củ khối lượng 20 và 30 g . Củ khối lượng 40 g giâm trên giá thể 30% đất + 30% cát + 10% trấu + 30% phân trùn cho tỉ lệ nảy chồi cao nhất 97,2%. (2) Cây nghệ đen được nhân giống từ củ khối lượng 40 g đạt giá trị cao nhất về số chồi (1,6 chồi/cây), chiều cao cây (64,8 cm), số lá (3,7 lá/cây) và thời gian xuất vườn (38,2 NSG). Bên cạnh đó, cây được nhân giống trên giá thể 30% đất + 30% cát + 10% trấu + 30% phân trùn cho nhiều chồi (1,4 chồi/củ), cây đạt chiều cao tối đa (60,2 cm), số lá nhiều nhất (3,3 lá/cây) và thời gian xuất vườn sớm (42,2 NSG). Tuy nhiên, sự tương tác giữa yếu tố giá thể và khối lượng củ khác biệt không có ý nghĩa thống kê đến số chồi và chiều cao cây giữa các nghiệm thức. (3) Cây nghệ đen được nhân giống từ củ khối lượng 40 g và giâm trên giá thể 30% đất + 30% cát + 10% trấu + 30% phân trùn có chi phí sản xuất cao nhất nhưng tỉ lệ nảy chồi cao và cây giống có khả năng sinh trưởng tốt nên có giá thành sản phẩm thấp hơn.
Thông tin liên hệ
1. ThS. Nguyễn Quốc Thanh
ĐT: 0352197789. Email: nqthanh.angiang@gmail.com     
2. KS. Lê Thị Hồng Ngọc
ĐT: 0385039639. Email: ngocle1187@gmail.com
3. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 0286 264 6103
 



 
 
 
Hình 1. Hình thái cây giống nghệ đen thời điểm 40 NSG
 (A1: khối lượng củ 20 g, A2: khối lượng củ 30 g, A3: khối lượng củ 40 g
B0: 100% đất, B1: 30% đất + 30% cát + 10% trấu + 30% phân trùn, B2: 30% đất + 30% cát + 20% trấu + 20% phân trùn, B3: 30% đất + 30% cát + 30% trấu + 10% phân trùn)
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Adi, E.B.M. & E.S. Mulyaningsih (2019). The effects of fertilizer treatment, rhizome seed size, and day of harvest in Java turmeric (Curcuma xanthorrhiza Roxb.). Agrosainstek, 3 (2): 91-97.
Ara, R.; M. Ratna; R. Sarker; M.M. Ahmed & M.M. Rahman (2019). Effect of rhizome cut on the yield of ginger. International journal of applied research, 5(11): 242-246.
Asafa, R.F. & W.B. Akanbi (2017). Growth and rhizome yield of ginger (Zingiber officinale L.) as influenced by propagule size and nitrogen levels in Ogbomoso, Southwestern Nigeria. International Letters of Natural Sciences, 67: 35-45.
Chen, W.; Y. Lu; M. Gao; J. Wu; A. Wang & R. Shi (2011). Anti-angiogenesis effect of essential oil from Curcuma zedoaria in vitro and in vivo. Journal of Ethnopharmacology, 133: 220-226.
Dosoky, N.S. & W.N. Setzer (2018). Chemical composition and biological activities of essential oils of curcuma species. Nutrients, 10: 1196.
Hossain, A.; Y. Ishimine; H. Akamine & K. Motomura (2005). Effects of seed rhizome size on growth and yield of turmeric (Curcuma longa L.). Plant Prod. Sci., 8 (1): 86-94.
Lai, E.Y.C.; C.C. Chyau; J.L. Mau; C.C. Chen; Y.J. Lai; C.F. Shih & L.L. Lin (2004). Antimicrobial activity and cytotoxicity of the essential oil of Curcuma zedoaria. Am. J. Chin. Med., 32: 281-290.
Phan Minh Giang, Văn Ngọc Hướng và Phan Tống Sơn (1998). Sesquiterpenoid từ thân rễ nghệ đen Curcuma Zedoaria (Berg.) Roscoe của Việt Nam. Tạp chí hoá học, Số 4: 70-73.
Singh, G.; O.P. Singh and S. Maurya (2002). Chemical and biocidal investigations on essential oils of some Indian Curcuma species. Prog. Cryst. Growth Charact. Mater. 45, 75–81.
Su, M.Q.; Y.R. Zhou; C.Q. Li; Z. Wang; Y.L. Wang; B.Y. Shen & J. Dou (2018). Zedoary turmeric oil induces senescence and apoptosis in human colon cancer HCT116 cells. Nat. Prod. Commun., 13: 907-910.
Trần Thị Việt Hoa, Trần Thị Phương Thảo & Vũ Thị Thanh Tâm (2007). Thành phần hóa học và tính kháng oxy hóa của nghệ đen Curcuma zedoaria Berg. trồng ở Việt Nam. Tạp chí phát triển KH&CN, 10 (04).
Zhou, Y.; J. Shen; L. Xia & Y. Wang (2015). Curcuma zedoaria (Berg.) Rosc. essential oil and paclitaxel synergistically enhance the apoptosis of SKOV3 cells. Mol. Med. Rep., 12: 1253-1257.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây